Người nghèo mua siêu xe
Hàn QuốcMuốn được mọi người ngưỡng mộ, không ít người trẻ tại Hàn Quốc sẵn sàng gánh nợ để sở hữu ôtô hạng sang.
Thị trường ôtô cao cấp của Hàn Quốc phần lớn được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng trẻ, những người bị ảnh hưởng bởi văn hóa tiêu dùng phô trương. Điều này dẫn đến sự phổ biến của cụm từ “car poor” (người nghèo mua ôtô).
Trên thực tế, quan điểm việc sở hữu một chiếc ôtô sang trọng là cách thể hiện giá trị, sự giàu có, địa vị của một cá nhân. Điều này dẫn đến tình trạng đua đòi mua xe sang khi bản thân không đủ sức chi trả các chi phí.
Choi (29 tuổi) tự nhận mình là một “car poor” khi mua một chiếc Porsche Cayman Turbo S theo phương thức trả góp trong 60 tháng. “Hàng tháng, tiền trả góp mua xe và tiền bảo trì hết 70% tiền lương của tôi”, Choi nói.
Lee, sinh viên đại học 21 tuổi ở Seoul cũng mua một chiếc BMW cũ vào năm 2020 bằng tiền tiết kiệm. Để sở hữu mẫu xe được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2008, anh phải trả trước 5,5 triệu won (khoảng 100 triệu đồng).
Mỗi tháng Lee chi 600.000 won, thậm chí lên đến một triệu won để sửa sang, đổ xăng và mua bảo hiểm. Thu nhập không đủ “nuôi” xe buộc Lee phải đi làm thêm, thậm chí nhờ sự trợ giúp của bố mẹ.
Kim, 41 tuổi, người có 13 năm thâm niên bán xe cũ ở Seoul từng chứng kiến nhiều câu chuyện người trẻ cố gắng mua xe từ các thương hiệu nổi tiếng, dù vượt quá khả năng chi trả.
“Họ (người trẻ) thường sử dụng các gói trả góp hàng tháng bằng thẻ tín dụng và nghĩ rằng bản thân có thể trả hết nợ trong thời gian dài, dù thực tế trái ngược”, Kim nói.
Văn hóa tiêu dùng phô trương của Hàn Quốc đang được phân cấp thứ bậc dựa trên thương hiệu ôtô hạng sang mà một người sở hữu. Các thương hiệu như Kia, Renault và Chevrolet là ôtô dành cho người bình thường; Toyota và Ford của tầng lớp trung lưu; Genesis, Tesla và Volvo ở hạng sang; BMW, Mercedes và Lexus ở mức sang trọng; Rolls-Royce, Bentley và Maybach nằm trong “top 3 xe xa xỉ”; trong khi Bugatti và Pagani đứng vị trí hàng đầu.
Hong Eun-sil, giáo sư phúc lợi và môi trường gia đình tại Đại học Quốc gia Cheoman, cho biết người Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào việc tiêu dùng phô trương để nâng cấp địa vị xã hội.
“Mong muốn hưởng thụ những thứ xa xỉ xuất phát từ ý định của những người vốn cảm thấy mình thua kém nay muốn bắt chước tiêu dùng của tầng lớp thượng lưu”, giáo sư Hong nói.
Hàn Quốc đang chứng kiến cơn sốt xe sang, bất chấp suy thoái kinh tế kéo dài giúp các thương hiệu ôtô danh tiếng liên tục phá kỷ lục doanh số hàng năm.
Năm 2023, gần 3.200 ôtô nhập khẩu, giá trung bình hơn 300 triệu won (5,6 tỷ đồng) được bán tại Hàn Quốc – mức cao nhất mọi thời đại. Số khách đặt mua xe của thương hiệu Bentley, Lamborghini, Rolls-Royce và Maybach tăng nhanh. Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà phân phối và nhập khẩu ôtô Hàn Quốc Kaida chỉ ra doanh số đã tăng hơn 10 lần so với năm 2018.
Rolls-Royce đạt mức bán cao nhất mọi thời đại là 276 chiếc tại Hàn Quốc năm 2023, tăng 18% so với năm 2022. Quốc gia này cũng lần đầu vượt qua Nhật Bản về doanh số và trở thành thị trường số một khu vực châu Á – Thái Bình Dương của hãng xe Anh.
Irene Nikkein, giám đốc của Rolls-Royce khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói: “Sự tăng trưởng của thương hiệu xe này tại Hàn Quốc dự kiến kéo dài ít nhất một thập kỷ. Tiềm năng của thị trường Hàn Quốc là không giới hạn”.
Tương tự, Bentley đã bán được 810 chiếc tại Hàn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước và trở thành thị trường số một ở châu Á. Lamborghini cũng tiêu thụ 431 xe tại thị trường Hàn, tăng 8% so với năm 2022. Con số bán ra này nhiều hơn tại nơi xuất là Italy với 409 chiếc. Hàn Quốc hiện là thị trường lớn thứ 7 của Lamborghini, vượt qua cả Canada, Australia và Pháp.
Mercedes-Maybach cũng bán gần 2.600 xe, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Porsche đạt hơn 11.300 chiếc, lần đầu vượt mốc 10.000 xe, tăng 26% so với năm 2022.
Bên cạnh nhu cầu mua xe sang của giới siêu giàu, giáo sư Kim Joong-baek tại Đại học Kyung Hee khuyên người trẻ, đặc biệt là nhóm tài chính hạn hẹp nên cân nhắc tổng thu nhập, khả năng chi trả trước khi mua.
“Bạn cần có kế hoạch tài chính tốt và cân nhắc mọi rủi ro trước khi mua một thứ gì đó, nhất là siêu xe”, giáo sư Lee nói.
Ba năm trước, anh Park, 35 tuổi, quyết định mua một chiếc Porsche, mỗi tháng trả góp 2 triệu won.
Thỏa mãn đam mê sở hữu một chiếc siêu xe của riêng mình nhưng Park dần nhận thấy những bất cập. Thu nhập không quá cao khiến anh không dám mua sắm đồ, ăn ngoài và chỉ ở lì trong nhà mỗi khi tan làm.
“Tôi dành toàn bộ tài sản để mua xe trong khi một người bạn dùng số tiền đó để mua nhà. Giá căn hộ của anh ấy tăng ít nhất 300 triệu won, còn chiếc xe của tôi ngày càng mất giá và bản thân vẫn đang mang nợ”, Park kể.
Minh Phương (Theo Korea JoongAng Daily