Du học sinh lỡ kỳ nhập học vì chậm visa Australia
Chờ gần ba tháng vẫn chưa được cấp thị thực (visa), Trần Đức phải hủy vé máy bay và lỡ kỳ nhập học tháng 7, đợi đến tháng 2 năm sau để du học Australia.
Trần Đức xin visa du học Australia từ ngày 23/5 nhưng đã 11 tuần, hồ sơ vẫn chưa được duyệt.
“Lúc trước, em hoảng loạn vô cùng. Còn giờ, em buông xuôi”, Đức, 18 tuổi, nói.
Nam sinh Hà Nội nộp hồ sơ vào Đại học Công nghệ Queensland ở thành phố Brisbane, dự định nhập học vào tháng 7. Trường yêu cầu học sinh có mặt muộn nhất vào ngày 2/8, nhưng vì chưa có visa nên Đức buộc phải xin lùi sang kỳ nhập học tháng 2 năm sau. Ở Australia, đây là hai kỳ nhập học chính của các đại học.
Tương tự, Nguyễn Minh Anh, sinh viên một trường đại học Hà Nội, cũng chưa thể đến Australia như dự định. Trong hai tháng chờ visa, em đã gửi khoảng 5 thư yêu cầu tới lãnh sự quán, mong được xem xét để kịp lịch học song không có phản hồi.
“Em cũng không nhận được mail báo bổ sung giấy tờ nên rất sốt ruột”, Minh Anh chia sẻ.
Minh Anh học chương trình liên kết giữa trường với Đại học Monash. Chương trình học đã bắt đầu từ 22/7, nên Minh Anh phải học từ xa một số môn trong thời gian chờ đợi. Với các môn khác, nữ sinh không thể tham gia vì trường không dạy online.
Hôm 11/8 là hạn cuối cùng Minh Anh phải có mặt ở Đại học Monash. Do đó, nữ sinh đã lỡ đợt nhập học này.
Theo một số chuyên gia du học, trường hợp như Đức và Minh Anh “không hiếm”. Tình trạng chậm visa diễn ra đặc biệt từ tháng 4, ảnh hưởng đến kế hoạch học tập, cũng như tài chính và tâm lý của học sinh, phụ huynh.
Ông Simon Trần, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn du học Avenue to Success, cho hay trước đây thời gian xử lý visa khoảng 3-6 tuần nhưng hiện trung bình là 2-4 tháng. Trên website, Bộ Nội vụ Australia cũng cho biết khoảng 50% số hồ sơ được xét trong 43 ngày, 90% trong 4 tháng.
Quy trình cấp visa hiện gồm các bước như kê khai hồ sơ, giấy tờ chứng minh tài chính, khám sức khỏe, làm sinh trắc học. Thay vì nộp bản scan từ hồ sơ gốc như trước, toàn bộ giấy tờ hiện phải được dịch sang tiếng Anh. Người dịch được yêu cầu có trình độ và kinh nghiệm ít nhất 2 năm. Những yêu cầu về kê khai tài chính, điểm IELTS, bài kiểm tra sự trung thực (GS) cũng khắt khe hơn.
“Thời gian xét duyệt visa đang kéo dài hơn, với tỷ lệ đậu thấp hơn”, ông Simon nhận định.
Theo ông, hiện hầu hết công ty tư vấn còn khá nhiều học sinh, sinh viên đợi visa du học. Công ty ông không ngoại lệ, song không tiết lộ con số cụ thể.
Bà Lù Thị Hồng Nhâm, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn du học Đức Anh, cho biết chính phủ Australia công bố các điều chỉnh về visa hồi tháng 3 và áp dụng ngay. Du học sinh kỳ tháng 7 là lứa đầu tiên chịu tác động của những thay đổi. Ở công ty bà, khoảng 3-5% số học sinh chưa được nhận visa.
“Một số được cấp visa muộn đang phải chạy theo chương trình. Một số học sinh chưa kịp nhập học, đành phải lùi sang khóa sau, hoặc chuyển sang nước khác”, bà nói.
Tại Đại học Công nghệ Sydney, ông Nguyễn Nhựt Hưng, đại diện tuyển sinh của trường ở Việt Nam, cho hay từ cuối tháng 5 đến nay, thời gian sinh viên nhận được visa trung bình là 52 ngày, phố biến nhất là 59 ngày, số ít tới 70 ngày.
“Chưa được cấp visa, học sinh phải chuyển sang kỳ tiếp theo, làm chậm từ 3 đến 6 tháng trong kế hoạch của các bạn, đồng nghĩa với tốt nghiệp muộn hơn dự kiến”, ông nói.
Ngoài ra, học sinh và gia đình còn rơi vào thế bị động khi phải đặt vé máy bay mở để có thể đổi ngày, có thể chịu giá cao. Việc thuê nhà cũng bị ảnh hưởng vì thường phải đặt cọc trước cho chủ ở Australia để giữ chỗ, chưa kịp sang nhưng tiền nhà đã phát sinh. Những sinh viên nhập học muộn phải học online và liên tục trao đổi để cập nhật tình hình.
“Một số học sinh chọn thêm phương án dự phòng trong thời gian chờ kết quả như đăng ký học một trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc đó ảnh hưởng khá lớn đến tài chính, thời gian và cả tâm lý của học sinh, phụ huynh”, theo ông Simon Trần.
Thống kê của Bộ Giáo dục Australia cho thấy trong bốn tháng đầu năm, hơn 37.000 du học sinh Việt ở nước này, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Trả lời VnExpress hôm 4/8, bà Renee Deschamps, Phó đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết thời gian xét duyệt kéo dài do số lượng hồ sơ xin visa quá nhiều, khiến bộ phận xét duyệt bị quá tải.
Lý do thứ hai là Australia muốn tập trung vào chất lượng hồ sơ, khắt khe hơn, nhằm đảm bảo đó là những người có nhu cầu học thực sự, không phải sang để đi làm hay mục đích khác. Việc này cũng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh quốc tế.
TS Amanda Barry, Giám đốc bộ phận về sinh viên tương lai, Đại học Quốc gia Australia, đánh giá chính sách của chính phủ là hợp lý song cũng là thách thức với học sinh quốc tế. Một số yêu cầu được áp dụng ngay trong năm nay, khiến nhiều người không thể bắt đầu kỳ học này.
Bà Barry cho hay rủi ro bị từ chối visa phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó có việc học sinh đến từ đâu hay đăng ký trường nào. Nhà chức trách cũng sẽ xem xét kỹ lịch sử cấp visa của cơ sở giáo dục đó và lý do học sinh ở đây bị từ chối thị thực.
Thông thường, hồ sơ của học sinh học tại các trường đại học hàng đầu ít rủi ro hơn.
Báo cáo của Bộ Nội vụ Australia cho thấy 12.600 du học sinh Việt được cấp thị thực trong vòng 10 tháng, kể từ tháng 7 năm ngoái. Số này chiếm khoảng 78,7% số đăng ký, là tỷ lệ đậu thị thực thấp nhất kể từ 2005 đến nay.
Việc kéo dài thời gian xét visa cho sinh viên quốc tế cũng như giảm tỷ lệ đậu, trong bối cảnh Australia siết chặt nhập cư, từ nửa cuối năm ngoái.
Hồi tháng 2, nước này giảm thời gian cho du học sinh ở lại sau tốt nghiệp, còn 2-4 năm, thay vì 4-6 năm như trước. Đến tháng 3, yêu cầu tiếng Anh với sinh viên quốc tế là 6.0-6.5 IELTS, hơn 0.5 điểm so với mức cũ.
Tháng 5, Australia tăng 20% mức chứng minh tài chính du học, lên 29.710 AUD (gần 500 triệu đồng). Từ tháng 7, phí cấp thị thực du học là 1.600 AUD (hơn 27 triệu đồng), tăng hơn gấp đôi.
Để tăng khả năng đậu visa, bà Barry khuyên ứng viên nộp hồ sơ sớm, ít nhất trước ba tháng, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu để không mất thời gian bổ sung.
Ông Hưng ở Đại học Công nghệ Sydney cho rằng học sinh cần dứt khoát trong việc chọn trường. Việc đợi các học bổng giá trị cao, chẳng hạn 50-100% học phí – vốn có thời gian xét lâu, rồi mới quyết định là một sự đánh cược trong thời điểm hiện tại.
Còn ông Simon gợi ý du học sinh chuẩn bị kỹ để có điểm IELTS và điểm trung bình học tập cao nhất có thể. Học sinh cũng cần chuẩn bị hồ sơ tài chính rõ ràng, trả lời bài kiểm tra GS đầy đủ và giải trình hợp lý đối với từng câu hỏi.
Với Đức, việc bị chậm visa và phải bàn đến những phương án khác khiến em mất hứng thú học tập. Song, vì ấp ủ du học Australia từ lâu, nam sinh chọn tiếp tục chờ đợi.
Còn Minh Anh và gia đình đang tìm hiểu một trường quốc tế khác ở Việt Nam, trước khi ra quyết định cuối cùng.