Đại học ở Australia bác tin dừng nhận học sinh 5 tỉnh, thành Việt Nam
Đại học Wollongong, Australia, nói nhận đơn đăng ký từ tất cả vùng miền của Việt Nam, trước thông tin dừng với học sinh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng và Hải Dương.
Hai ngày qua, mạng xã hội lan truyền tin Đại học Wollongong (UOW) thông báo cho các đại lý tuyển sinh ở Việt Nam là không nhận hồ sơ của học sinh ở 5 tỉnh, thành gồm Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Hải Dương, từ 15/8. Ngoài ra, trường không cung cấp khóa học tiếng Anh kết hợp, yêu cầu bổ sung hồ sơ tài chính với học sinh cả nước, trừ ba thành phố lớn là TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
Tin này được chia sẻ trên nhiều diễn đàn, gây ra các đồn đoán về lý do học sinh 5 địa phương nói trên bị từ chối.
Trả lời VnExpress tối 21/10, đại diện UOW cho biết nhận đơn đăng ký từ tất cả vùng miền của Việt Nam và đã thông báo việc này với các đại lý tuyển sinh từ tháng 9.
“UOW không áp dụng giới hạn đối với hồ sơ đăng ký từ Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác”, người này nói. “Tất cả đơn đăng ký được đánh giá theo từng trường hợp cụ thể”.
Theo trường, Bộ Nội vụ Australia duy trì các quy định nhằm đảm bảo sinh viên chân chính đến học tập và UOW tuân thủ các hướng dẫn này để hỗ trợ sinh viên trong quá trình xin thị thực.
Trường cho biết du học sinh Việt là một trong những nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất tại UOW, gồm cả UOW College (nơi cung cấp các chương trình chuyển tiếp, khóa học tiếng Anh, học nghề…), với hơn 1.000 người.
Theo bảng xếp hạng đại học năm 2025 của Times Higher Education (THE), Đại học Wollongong ở vị trí thứ 11 tại Australia, thuộc nhóm 201-250 toàn cầu. Trường có hai kỳ nhập học vào tháng 2 và 7.
UOW hiện có khoảng 53 ngành học ở bậc cử nhân, học phí từ 29.370-40.600 AUD (khoảng 495-684 triệu đồng) mỗi năm, cao nhất ở các ngành Y sinh và Khoa học sức khỏe. Trường có học bổng dành cho sinh viên quốc tế với mức 20-30% học phí.
Để xin thị thực du học Australia (visa 500), học sinh cần có thư mời của trường, đóng bảo hiểm y tế, có tờ khai chấp thuận từ bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu dưới 18 tuổi), thư giải trình về mục đích học tập và khả năng ở lại hay rời đi sau khi học xong, cùng một số giấy tờ khác. Hiện tại, phần lớn hồ sơ xin visa ở Việt Nam được xét trong vòng 3-5 tháng, lâu hơn trước.
Tỷ lệ từ chối cũng tăng, lý do chính là “không trung thực về mục đích du học”, theo bà Katherine Tranter, cán bộ cấp cao phụ trách thị thực du học thuộc Bộ Nội vụ Australia, tại triển lãm du học bang New South Wales ở TP HCM, hôm 14/9.