Ba cái bẫy khiến các gia đình khó thoát nghèo
Từ hiệu ứng lồng chim các chuyên gia chỉ ra một số thói quen trong sinh hoạt, chi tiêu, tích trữ khiến nhiều gia đình khó giàu.
Đầu thế kỷ 20, William James, giáo sư tâm lý học của Đại học Harvard, đã tặng bạn mình là nhà vật lý học Carlson một lồng chim. Carlson không thích nuôi chim nên đặt chiếc lồng trong phòng khách.
Mỗi khi có khách đến chơi đều thắc mắc “tại sao lồng chim lại trống trơn”. Nhà vật lý học luôn phải giải thích bản thân không nuôi chim, chiếc lồng được một người bạn tặng. Nhưng cuối cùng, Carlson đành phải mua một con chim nhốt vào đó để khỏi phải trả lời những câu hỏi.
Đây là “hiệu ứng lồng chim” trong tâm lý học. Những chuyên gia nghiên cứu về tâm lý khách hàng và hành vi mua sắm nhận thấy con người sẽ tiếp tục mua những thứ liên quan đến một món đồ mà bản thân không cần, chỉ vì được tặng hoặc vô tình có được.
Nhìn rộng hơn có thể thấy một chiếc lồng chim cũng khiến con người tốn kém tiền bạc, thời gian và chăm sóc. Vậy nếu trong nhà có những thứ không cần thiết, việc thường xuyên phải để tâm cũng hao tổn nhiều tiền của và sức lực tinh thần là không nên.
Điều này đặc biệt quan trọng với các gia đình. Có thể thấy họ không hẳn là chật vật vì thiếu thốn, phần lớn là do những thói quen chi tiêu không tốt. Dưới đây là ba bẫy chi tiêu cùng thói quen xấu khiến các gia đình khó giàu có.
Mua đồ vô dụng
Cách đây 5 năm, một người phụ nữ ở Trung Quốc đã mua vài bông hoa chỉ vì cháu gái nài nỉ vào chiều 30 Tết. Bà bắt đầu suy nghĩ về cách cắm hoa cho đẹp và sắm thêm chiếc bình mới.
Hết Tết, hoa được bỏ, bình cất một góc. Nhưng mỗi khi có khách đến chơi sẽ luôn hỏi “sao để bình trống”, khiến người này lại mua thêm hoa về cắm.
Hay đầu mỗi mùa đông, chị đều mua than củi về dự phòng, dù người thân liên tục giải thích ở thành phố ít mất điện, không cần dùng than. Nhưng nhiều năm trôi qua, đống than củi vẫn chưa một lần được sử dụng.
Người này cũng mua rất nhiều đồ khuyến mãi bởi giá rẻ. Những món đồ này phần lớn đều có chất lượng kém, không có tính hữu dụng. Triết lý mua sắm của chị là “có thể bây giờ chưa hữu ích, nhưng sau này có thể cần dùng”.
Chuyên gia tài chính cho biết chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp là đúng. Nhưng tích trữ dẫn đến thói quen mua sắm vô tội vã, sở hữu quá nhiều đồ trong gia đình lại không cần thiết.
Do vậy, nếu không cưỡng lại sự cám dỗ mua những thứ bản thân không cần, mong muốn tích lũy tiền và hy vọng “vượt nghèo” là vô vọng.
Cố sửa chữa đồ hư hỏng
Thay vì tìm mọi cách sửa chữa thiết bị trong gia đình đã bị hư hỏng nặng, quyết định mua mới sẽ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Thậm chí, tiền mua đồ mới có thể bằng giá hoặc rẻ hơn so với chi phí sửa chữa thiết bị đã đến lúc phải hỏng.
Tích trữ mọi đồ vật thay vì vứt bỏ
Nếu không sử dụng một món đồ trong nhiều tháng, đó là lãng phí không gian. Nhưng không ít người nhận ra điều này bởi suy nghĩ “lỡ sau này cần dùng”.
Trong tâm lý học, nếu một người không nỡ vứt bỏ bất cứ thứ gì, thói quen này sẽ len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, từ đời sống xã hội, công việc đến các mối quan hệ. Trong khi vứt bỏ những thứ vô dụng sẽ có thêm chỗ cho đồ hữu ích. Gạt bỏ âu lo sẽ thâm niềm vui, biết mua sắm những thứ cần thiết.
“Vậy nếu bạn nhận được một chiếc lồng chim không cần thiết, hãy tặng nó cho người thích nuôi chim hoặc từ chối ngay từ đầu. Thay đổi tư duy và hành động sẽ giúp mở rộng tầm nhìn, hình thành thói quen tốt”, chuyên gia nói.
Minh Phương