100 ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống Trump: Crypto được và mất gì?
Chúng ta đã đi qua 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump lần thứ hai, và đây là thời điểm lý tưởng để đánh giá xem ngành crypto đã hưởng lợi – hay chịu thiệt hại – như thế nào dưới sự lãnh đạo của ông.
Liệu các chính sách và sự ủng hộ công khai của Trump có thực sự mang lại lợi ích cho ngành, hay ánh đèn sân khấu quá rực rỡ lại khiến “người tham gia bữa tiệc” lóa mắt?
Hiệu suất thị trường
Bất chấp sự ủng hộ công khai dành cho Bitcoin (BTC), giá của đồng tiền điện tử hàng đầu đã giảm trong nhiệm kỳ mới của Trump, mất khoảng 6% giá trị kể từ khi ông nhậm chức.

Đáng chú ý hơn, trong cùng khoảng thời gian 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Joe Biden, BTC lại tăng mạnh hơn 50% dù cộng đồng tiền điện tử cho rằng chính quyền Biden đã có những động thái không công bằng với ngành.
Thậm chí, nhiệm kỳ đầu tiên của Trump – khi ông còn gọi Bitcoin là “trò lừa đảo” – cũng đã ghi nhận mức tăng gần 50% trong 100 ngày đầu, vượt xa hiệu suất của nhiệm kỳ hiện tại.
Quỹ dự trữ và kho tài sản số
Một phần trong nỗ lực “đón nhận” tiền điện tử của chính quyền Trump là tìm cách để chính phủ liên bang nắm giữ và tiếp cận nhiều tài sản số hơn. Một sắc lệnh hành pháp do Trump ban hành đã thành lập “Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược”, nơi lưu trữ một phần BTC vốn đã nằm trong quyền kiểm soát của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, phần lớn số BTC này liên quan đến các vụ án hình sự và dân sự, và thực chất không thuộc sở hữu của chính phủ.
Ngoài ra, sắc lệnh này còn tạo ra “Kho Dự trữ Tài sản Số Quốc gia” – nơi lưu giữ một số loại tiền điện tử khác. Trong khi Nhà Trắng đang tìm cách bổ sung thêm BTC vào quỹ dự trữ, họ cũng đang cân nhắc việc bán ra từ kho dự trữ hiện tại. Một số đề xuất được đưa ra bao gồm việc bán vàng của Mỹ hoặc định giá lại số vàng đó để mua thêm BTC.
Những lời hứa viển vông
Trump đã giữ đúng ít nhất một số lời hứa trong chiến dịch tranh cử liên quan đến tiền điện tử, trong đó bao gồm việc ân xá cho Dread Pirate Roberts – Ross Ulbricht, kẻ đứng sau chợ đen khét tiếng Silk Road.
Tuy nhiên, một số lời hứa khác lại hoàn toàn bị phớt lờ, như việc tuyên bố rằng toàn bộ BTC sẽ được “sản xuất tại Mỹ”. Ngoài ra, dự án World Liberty Finance mà Trump có liên quan cũng từng cam kết sẽ “tái cấu trúc nơi nắm giữ nợ công của Mỹ”.
Nhưng đến nay, chưa có lời giải thích rõ ràng nào cho cách họ sẽ thực hiện điều đó, và cũng không có dấu hiệu nào cho thấy kế hoạch này đã được triển khai.
Các đề cử nhân sự
Một điểm mà Trump sử dụng để tỏ ra thân thiện với ngành công nghiệp crypto chính là các đề cử nhân sự cấp cao, thường lựa chọn những người có thiện cảm với lĩnh vực này.
Ví dụ, Howard Lutnick, người đứng đầu Bộ Thương mại, trước đây từng lãnh đạo Cantor Fitzgerald – đơn vị quản lý quỹ dự trữ cho stablecoin lớn nhất thị trường, USDT.
Ngoài ra, Paul Atkins, lãnh đạo mới của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), đã công khai chỉ trích cách chính sách của chính quyền tiền nhiệm trong việc siết chặt quy định đối với tiền điện tử, cho rằng điều đó làm trì trệ quá trình đổi mới trong ngành.
Các vấn đề pháp lý
Trong một buổi họp báo được truyền thông chú ý, David Sacks – cố vấn của chính quyền Trump – đã cùng nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa công bố kế hoạch ban hành hai đạo luật: một về stablecoin và một về cấu trúc thị trường, trong vòng 100 ngày đầu nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự luật vẫn chưa được ký thành luật. Dự luật về stablecoin đã được thông qua tại cấp ủy ban nhưng chưa được đưa ra bỏ phiếu toàn thể, còn dự luật về cấu trúc thị trường vẫn còn nằm tại cấp ủy ban và chưa có tiến triển rõ ràng.
Thượng nghị sĩ Tim Scott đã phải trì hoãn thời hạn cá nhân cho việc hoàn tất các dự luật này. Dẫu vậy, ngay cả khi chưa có luật mới, các cơ quan như SEC, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) và Bộ Tư pháp Mỹ đã cắt giảm hoặc tái cấu trúc các đơn vị chuyên trách thực thi pháp luật trong lĩnh vực tiền điện tử.
Một số quy định đã bị bãi bỏ, bao gồm hướng dẫn kế toán SAB 121 và các hướng dẫn của cơ quan quản lý ngân hàng liên quan đến việc hợp tác với doanh nghiệp tiền điện tử.
Các dự án tiền điện tử gắn liền với Trump
Dù đang giữ cương vị tổng thống, Trump vẫn không ngừng tham gia và phát triển các dự án tiền điện tử khác nhau.
Trong số đó, dự án World Liberty Financial đã thông qua đề xuất triển khai một phiên bản AAVE, mặc dù hiện chưa được ra mắt. Dự án này cũng đã có nhiều động thái khác mà không thông qua biểu quyết, bao gồm kế hoạch phát hành một stablecoin và mua lại nhiều loại token khác nhau.
Bên cạnh đó, memecoin TRUMP cũng mở ra một cách thức mới để “gặp mặt” tổng thống: chỉ cần nằm trong số những người nắm giữ lượng lớn token này. Sàn giao dịch HTX – nơi tỷ phú Justin Sun làm cố vấn – dường như đã sẵn sàng tận dụng “ưu đãi” độc đáo này.
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.